Viện nghiên cứu nhận thức và giáo dục Thăng Long
Viện Nghiên cứu Nhận thức - Giáo dục Thăng Long (Thang Long Institute of Cognition and Education Studies, viết tắt là TICES) thuộc Trường Đại học Thăng Long (Thang Long University) là trung tâm nghiên cứu khoa học về nhận thức và giáo dục, tập trung vào các hướng nghiên cứu sau: tư duy phản biện; các cấp độ của nhận thức (nhắc lại, giải thích, ứng dụng, phân ích, đánh giá và sáng tạo); lý thuyết nhận thực và lý thuyết giáo dục (phát triển và kiến tạo); sư phạm đổi mới - Tpack (Technology Pedagogy and Content Knowledge); kỹ thuật giáo dục trên nền tảng khoa học công nghệ như trí tuệ nhân tạo với Al, Robotic và Blockchain; giao thoa văn hóa và giao lưu học thuật. Cụ thể:
Về nghiên cứu: Viện đang đẩy mạnh công tác phối hợp với các bộ môn trong Trường Đại học Thăng Long như bộ môn Việt Nam học, Nhật Bản học, Trung Quốc học, Hàn Quốc học, Du lịch học và Y tế công cộng để triển khai các nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu ứng dụng liên quan đến Hán Nôm và khu vực học (Việt Nam trong bối cảnh các nước trong khu vực), nghiên cứu các vấn đề hợp tác quốc tế trong giáo dục và khoa học với các nước tiên tiến (COIL, Hàn Quốc và Australia).
Giao lưu, hợp tác quốc tế trong khoa học: Cùng với sự hợp tác hỗ trợ của các ban, ngành trong Trường Đại học Thăng Long, Viện TICES là nơi tổ chức các buổi tọa đàm khoa học, các seminar và hội thảo khoa học trong nước và quốc tế có uy tín (ví dụ: Hội thảo khoa học Giao lưu văn hóa-văn học giữa Việt Nam và các nước Đông Á thời kỳ Trung-Cận đại, tháng 07.2023).
Về công tác đào tạo: Viện TICES hiện đang kết hợp với bộ môn Việt Nam học chuẩn bị chương trình giảng đạy trên Đại học về Hán Nôm và Khu vực bằng ba ngôn ngữ: Việt, Anh và Trung văn cho sinh viên trong nước và quốc tế.
Về tạp chí: Viện TICES cho ra mắt Tạp chí Khoa học Thăng Long, trong đó Viện chịu trách nhiệm chính về Tạp chí Văn hiến và Di sản (Vanhien and Heritage). Đây là tạp chí được kì vọng sẽ là nơi để các nhà khoa học trao đổi, giao lưu về học thuật liên quan đến văn hóa, ngôn ngữ, xã hội Việt Nam từ xưa đến nay. Tạp chí đã đăng tải nhiều bài nghiên cứu có chất lượng và mang tính khoa học, có tính ứng dụng cao của các giảng viên, nhà nghiên cứu trong trường và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Về xuất bản: Viện TICES đã cho xuất bản một số tác phẩm của cố GS. Viện sĩ Phạm Huy Thông - một tác giả có uy tín trong ngành Khoa học xã hội học để chuẩn bị cho chương trình giảng dạy Việt Nam học - Khu vực học như: Ngữ pháp tiếng Việt, Hang Con Moong, Trống đồng Đông Sơn, Thời đại Hùng Vương và Từ tiền sử đến Lịch sử. Trong thời gian tới, Viện TICES sẽ cho ra mắt một số ấn phẩm là những tư liệu quan trọng liên quan đển biển đảo của Việt Nam trước thời hiện đại.