Thông điệp của Hội đồng trường
...
Trường Đại học Thăng Long ra đời ngày 15 tháng 12 năm 1988, mang tên đầu tiên là Trung Tâm Đại Học Dân Lập Thăng Long với sứ mạng chính và rất quan trọng lúc đó là thực nghiệm mô hình cho toàn quốc về đại học tự chủ tài chính, không xin kinh phí Nhà Nước.
Chữ dân lập là do Trường đề nghị, thể hiện Trường không phải là công lập và để tránh chữ tư thục mà thời đó xã hội chưa chấp nhận, còn chữ Trung Tâm là một ước mơ, một tham vọng của Trường, đó là mong ước trong tương lai Thăng Long sẽ là một trung tâm những trường đại học, nghĩa là có những trường con trong Đại Học Thăng Long.
Lần theo hoạt động của Trường, chúng tôi thấy Thăng Long có nhiều điểm giống như Harvard ở những buổi ban đầu. Cũng như Harvard, chúng tôi sống rất bấp bênh thuở ban đầu, làm đủ mọi việc để Trường tồn tại.
Học phí mấy năm đầu tiên của Thăng Long là 10 kg gạo/tháng (hệ B của đại học công là 9 kg gạo/tháng) tính thành tiền là 10 000 đồng/tháng. Với 74 sinh viên của năm đầu chúng tôi thu được 740 000 đồng/tháng. Nhưng tiền thuê lớp học cộng với lương giảng viên và nhân viên lại là 1 650 000 đồng. Như vậy mỗi tháng chúng tôi hụt 910 000 đồng ! Để hình dung đó là một số tiền lớn đối với chúng tôi, ta phải biết rằng lương giáo sư hạng cao ở đại học công lúc đó chỉ mấy chục ngàn đồng/tháng. Tiền hụt này may được tài trợ bù vào.
Tuy vậy về mặt học thuật chúng tôi đã có những dấu ấn tích cực cho giáo dục đại học Việt Nam ngay trong 6 năm hoạt động dưới mô hình thí điểm đại học dân lập, không xin kinh phí Nhà Nước, chẳng hạn như :
- Chúng tôi quy định sinh viên Thăng Long phải học 2 ngoại ngữ chọn trong 3 thứ tiếng : Anh, Nga, Pháp cho hai khoa Toán-Tin và Quản lý mà chúng tôi có lúc bây giờ, trong khi ở đại học công chỉ học tiếng Nga, do chúng tôi nghĩ trong tương lai tiếng Anh sẽ được dạy trong đại học công.
- Sau đó là chương trình cho khoa Toán-Tin. Chúng tôi đã làm một chương trình mà Toán đóng vai trò quan trọng vì muốn sinh viên khi tốt nghiệp Tin học có một vốn liếng về Toán nếu chọn con đường nghiên cứu. Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc đã phụ trách làm chương trình Toán-Tin. Chương trình này đã được gửi đi Pháp để làm tài liệu tuyên truyền và quyên tiền cho Thăng Long, nó đã được đánh giá cao.
- Cuối cùng chúng tôi dạy 3 kế toán : Mỹ, Pháp và Việt Nam cho khoa Quản lý. Chúng tôi dạy kế toán Mỹ và Pháp vì nghĩ cho tương lai khi chuyển sang kinh tế thị trường bắt buộc phải dùng, còn dạy kế toán Việt Nam (dùng cho kinh tế kế hoạch) vì theo chương trình của Bộ.
Dự đoán về dạy ngoại ngữ tiếng Anh và kế toán Mỹ, Pháp của chúng tôi đã đúng, chúng đã được dạy trong tất cả các trường đại học của cả nước bây giờ.
...
Nếu nhà khoa học nói rằng : "Công việc của nhà khoa học là tìm ra cái đơn giản trong mớ hỗn độn" thì công việc của nhà quản lý là "tìm ra cơ hội trong mọi khó khăn". Cho nên công việc của chúng tôi, những nhà quản lý của Trường, là phải tìm ra những cơ hội, để thoát khỏi khó khăn, thoát khỏi những nút thắt luẩn quẩn quấn quanh người.
Dù thế nào, trên chặng đường chúng ta đã trải qua, chúng ta đã gặp không biết bao nhiêu người bạn tốt, nếu không có, chưa chắc chúng ta đã đạt được kết quả ngày nay. Tôi xin phép dành các kết quả đạt được trong một dịp khác.
Chúng tôi xin bày tỏ lòng cám ơn chân thành và sâu sắc tới các nhà khoa học Việt kiều ở Pháp cũng như nhiều nơi trên thế giới đã hết sức giúp đỡ chúng tôi khởi động trong những năm đầu thành lập mô hình thí điểm, và tiếp theo là những nhà khoa học của nhiều nước cũng như một số tổ chức phi chính phủ của Pháp và Đức đã tiếp sức anh chị em Việt kiều ngừng giúp đỡ sau ba năm đầu lăn lộn với chúng ta.
Chúng tôi xin cám ơn đội ngũ kỹ sư và công nhân xây dựng đã đồng hành với chúng tôi từ thuở xây dựng ngôi trường này, mọc lên từ những ruộng rau muống, và có lẽ sẽ mãi mãi ở bên chúng tôi để mỗi năm khai giảng lại có thêm một công trình mới làm đẹp mắt mọi người.
Cuối cùng, không có sự nhất trí của ban lãnh đạo Thăng Long trong đó phải kể đến sự chèo lái tận tâm tận lực của cố Hiệu trưởng Tiến sĩ Phan Huy Phú, cho bước tiến vượt bậc đầy khó khăn trên con đường xây dựng Trường, không có sự nỗ lực làm việc của các giáo sư, giảng viên, của toàn thể cán bộ, công nhân viên Nhà Trường, và sự hăng hái học tập của sinh viên thì chúng ta không có ngày hôm nay để đánh giá 35 năm đã đi qua cho chặng đường 100 năm, tuy còn rất khiêm tốn, nhưng vững chắc, khẳng định con đường chúng ta đang đi là đúng.
Trân trọng
Hoàng Xuân Sính