Nhảy đến nội dung

Thông điệp Chủ tịch Hội đồng quản trị

Thực ra, trên thế giới, ngay cả với những nước có rất nhiều đại học tư, vẫn không hiếm trường đã phải đóng cửa sau ba bốn chục năm thành lập, trường nào trụ được sau khoảng thời gian đó mới tương đối đàng hoàng. Thăng Long cũng không nằm ngoại lệ những năm tới còn phải có những cố gắng vượt bậc hơn nữa thì mới có cơ may trở thành một đại học thực sự. Dù sao cũng phải khẳng định điều này: ngoài những nỗ lực tự vận động của mỗi trường, sự phát triển của một trường đại học dân lập hay tư thục phụ thuộc rất nhiều vào quy chế mà Nhà nước ban hành, quy chế phù hợp với quy luật khách quan thì sẽ giúp nó cất cánh, còn không sẽ làm cho nó thui chột đi tới chết dần chết mòn.

Giai đoạn Thăng Long làm thí điểm mô hình đại học dân lập. Trong giai đoạn này, Trường mang tên Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long, với sứ mạng chính và rất quan trọng lúc đó là thực nghiệm mô hình cho toàn quốc về đại học tự chủ tài chính, không xin kinh phí Nhà nước. Chữ dân lập là do Trường đề nghị, thể hiện Trường không phải là công lập và để tránh chữ tư thục mà thời đó xã hội chưa chấp nhận. Còn chữ Trung tâm trong cụm từ Trung tâm Đại học Thăng Long là một ước mơ, một tham vọng, đó là mong ước trong tương lai Thăng Long sẽ là một trung tâm những trường đại học, nghĩa là có những trường con trong Đại học Thăng Long.

Giấy khai sinh cho Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long do Bộ trưởng Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề ký ngày 15/12/1988. Lúc này Nhà nước chưa có quy chế đại học dân lập và Trường vừa hoạt động vừa suy nghĩ để đóng góp vào việc soạn thảo quy chế.

Như đã nói ở trên, các trường đại học ngoài công lập hiện nay của ta đều tránh đào tạo các ngành khoa học nặng, đòi hỏi những thiết bị rất đắt tiền, Đại học Thăng Long cũng không nằm ngoại lệ. Cho nên cơ sở vật chất của Trường cũng chỉ gồm trường lớp, máy tính, thư viện và labo cho ngành Y và Điều dưỡng. Kể ra thì đơn giản, nhưng ở những lúc ban đầu thì bài toán hầu như không có lời giải, vì giá một máy tính 286 năm 1990 là 2500 đô la, tính sang tiền Việt lúc đó đã là hơn 20 triệu đồng, trong khi học phí mỗi sinh viên Thăng Long lấy cùng thời điểm là 10 kg gạo/tháng (hệ B của đại học công là 9 kg gạo/tháng) tính thành tiền là 10 000 đồng/tháng. Với 74 sinh viên của năm đầu chúng tôi thu được 740 000 đồng/tháng, để hình dung đó là một số tiền lớn đối với chúng tôi.

Trân trọng
Hoàng Xuân Sính

“Trên nhận thức rất rõ về khả năng nhỏ bé của mình, chúng tôi không ngừng nỗ lực cố gắng để Đại học Thăng Long vươn tầm thế giới, trở thành ngôi trường Đại học thực tiễn, ứng dụng, ươm mầm giấc mơ của thế hệ sinh viên và đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội”