Thang Long Portrait #8: Đại tá, PGS.TS Nhà giáo ưu tú Nguyễn Minh Xuân: "Vận nước là điều dẫn dắt người trẻ vươn mình"

Trong không khí cả nước hướng về Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam - Thống nhất Đất nước, Thang Long Portrait có cơ hội trò chuyện cùng Đại tá, PGS.TS Nhà giáo ưu tú Thầy Nguyễn Minh Xuân, Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thăng Long. Buổi trò chuyện khơi mở những câu chuyện về một thế hệ “vì tiền tuyến”’, về “niềm vui chưa từng có” trong ngày thắng lợi cùng những niềm tin và mong mỏi mà thầy Nguyễn Minh Xuân gửi gắm tới thế hệ sinh viên Thăng Long, thế hệ người trẻ vì Tổ quốc.
Hy vọng những chia sẻ gần gũi mà sâu sắc của thầy Nguyễn Minh Xuân sẽ truyền cảm hứng tới các bạn trẻ về lòng yêu nước, niềm tự hào về lịch sử vẻ vang và trách nhiệm phấn đấu của mỗi người trẻ bước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Quá trình tham gia cách mạng của thầy bắt đầu từ khi nào, diễn ra như thế nào? Vào mỗi dịp 30/4 hàng năm, kỷ niệm kháng chiến nào là kỷ niệm mà thầy nhớ nhất, khiến thầy tự hào và xúc động mỗi khi nhớ lại nhất?
Thời đó, cả đất nước đều vì tiền tuyến, cho nên việc tham gia chiến đấu là điều rất bình thường. Trong nhà tôi, tôi là người con thứ tư trong gia đình đi bộ đội. Cả một thế hệ đều như vậy, nếu không đi bộ đội thậm chí mình sẽ cảm thấy như là có một điều gì đó chưa làm với cha mẹ vậy.
Tôi nhập ngũ tháng 6 năm 1971 lúc chưa đầy 18 tuổi. Tôi được điều về Đại đội Chỉ huy, thuộc Sư đoàn 377 (C-Chỉ huy F377), thường xuyên đi giữa các đơn vị ở Quảng Trị, Quảng Bình để truyền thông tin mệnh lệnh chỉ đạo chiến đấu.
Kỷ niệm khiến tôi xúc động nhất về quãng thời gian đó là những lần công tác ở Bến phà Long Đại (Quảng Ninh, Quảng Bình) - nơi mà các anh em chiến sĩ thường gọi là “Long Đầu” - bởi vì ở đó địch bắn phá rền rĩ suốt ngày, thậm chí không chờ được nó dừng lại để di chuyển qua. Khi tôi đến thì trận địa tan hoang lắm, xe cộ và t.hi t.hể các cán bộ chiến sĩ văng tứ tung cả. Đặc thù khi đi trinh sát trong tổ chỉ đi 1, 2 người chứ không thể đi đông, tôi và người đồng đội nhiều lúc nghĩ không biết mình có vượt qua được trọng điểm này hay không, nhưng sau khi bàn bạc với nhau thì vẫn quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ.

Khi được tin Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam giành thắng lợi, được biết lúc đó thầy đang công tác, học tập tại nước ngoài, cảm xúc của thầy như thế nào?
Đó là một niềm vui chưa từng có. Khi nghe tin giải phóng miền Nam thắng lợi, lúc đó tôi đang được cử đi học tại Cộng hoà Séc. Ngày 30/4 ấy, tôi đang ngồi trong lớp học, có nghe bạn bè nói chuyện, nghe qua radio và biết tin. Sau đó, cả lớp gần như là không học được gì nữa, thầy cô cũng cho nghỉ luôn. Không phải chỉ riêng người Việt mình vui mừng đâu mà người Tiệp họ cũng vui chung, chúng tôi cùng nhảy ra đường ăn mừng không khác gì dân mình ở Việt Nam lúc đó.
Ngay hôm sau là ngày 1/5, người Việt cũng như người Tiệp đổ ra đường với cờ hiệu quốc kỳ của hai nước được giương cao vừa mừng tinh thần ngày Quốc tế Lao động, vừa ăn mừng thắng lợi đi vào lịch sử.
Sau mấy chục năm chúng ta mới có thắng lợi cuối cùng này. Cảm xúc hay tin chiến thắng tôi đã từng nghe ở các chiến dịch đơn lẻ trước đó, nhưng mà lúc đó thì nguồn vui nó còn to lớn hơn nhiều. Dân tộc ta đã đi đúng hướng, đạt được thành tựu mỹ mãn. Tôi mừng nghĩ đến ngày mình trở về với công tác đã rất gần.

Trong bối cảnh đất nước chào đón Đại lễ 30/4 sắp tới, thầy nghĩ rằng điều gì đã và đang khơi dậy mạnh mẽ tinh thần tự hào dân tộc của lớp trẻ hiện nay?
Trong bối cảnh đất nước đang đón mừng Đại lễ, tôi nghĩ có điều này khiến các bạn trẻ có tinh thần tự hào dân tộc mạnh mẽ. Dân tộc mình có một quá khứ vĩ đại, vậy nên các bạn trẻ rất hào hứng với truyền thống dân tộc và trân trọng quá khứ vinh quang ấy. Trong đời sống thường nhật, có thể các bạn ít có dịp được xem thông tin tư liệu, ít có thời gian tự đọc tự tìm hiểu. Nhưng hiện nay công tác truyền thông đang làm rất tốt, nhất là những dịp như thế này, trên truyền thông mọi thứ như một cuốn phim lướt qua tất cả các góc độ về thời kỳ kháng chiến. Các bạn trẻ được thấy những gì đẹp nhất, gắn kết nhất, đoàn kết nhất của thời kỳ đó.
Qua các hoạt động diễu binh, các bạn thấy quân đội ta đang ở mức phát triển vượt bậc, từ lực lượng biệt động tới đặc công đều được trang bị đầy đủ quân tư trang hiện đại. Hôm 22.4 vừa qua, tại Sân vận động Mỹ Đình đã diễn ra chương trình Hẹn ước Bắc Nam. Dù chương trình không quảng cáo mạnh trên các phương tiện thông tin, nhưng hôm đó mọi người đến rất đông, đứng gần như là kín hết sân. Điều đó thể hiện tấm lòng của thế hệ trẻ hiện nay, họ rất nhanh nhạy và muốn tìm hiểu sâu về lịch sử quân đội.
Ảnh: Các bạn sinh viên tình nguyện Trường Đại học Thăng Long tham gia các hoạt động tưởng niệm thể hiện lòng tri ân với thế hệ đi trước. (Nguồn: Đội Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Thăng Long)

Hành trình gắn bó của thầy với giáo dục và với Thăng Long bắt đầu từ khi nào? Điều gì đã khiến thầy lựa chọn gắn bó với Thăng Long?
Năm 1980, sau khi tốt nghiệp kỹ sư ngành Máy bay động cơ quân sự, tôi về nước làm công tác phục vụ bay ở Sân bay Sao Vàng tại Thanh Hoá (nay là Cảng Hàng không Thọ Xuân). Sau 04 năm công tác tôi được điều trở về giảng dạy, giữa việc ở lại làm chỉ huy kỹ thuật và trở về trường làm thầy giáo thì tôi chọn làm thầy giáo theo nhiệm vụ phân công. Lúc đó tôi nghĩ mình đã có nghề kỹ sư rồi mà được làm nghề giáo thì cũng tốt.
Sau nhiều năm giảng dạy, nghiên cứu, tôi nhận được lời mời từ GS.TSKH Hoàng Xuân Sính để về Trường Đại học Thăng Long công tác vào năm 2013. Lý do tôi lựa chọn gắn bó với Thăng Long khi đã về hưu là bởi tôi thấy mình còn sức khoẻ, thì mình còn những nhiệm vụ để hoàn thành. Tôi thấy Thăng Long là một mảnh đất rất tốt để phát triển và tạo cho mình nhiều cảm hứng trong công việc, tạo điều kiện để mình tập trung vào chuyên môn. Con người ở Thăng Long có thể nói là năng động, thông minh và tình cảm - từ các đơn vị với nhau, các cá nhân với nhau, lãnh đạo với nhân viên đều rất tình cảm.
Khi tôi về trường công tác, tôi lãnh đạo phòng Sau Đại học & Quản lý khoa học và cũng đã đóng góp được nhiều việc khi phòng mới hình thành, duy trì được theo đúng quy định của Bộ Giáo dục. Đội ngũ giảng dạy là các giáo sư đầu ngành nên nhiều thế hệ anh chị em học viên rất khen ngợi - có thể nói điều thu hút được mọi người về chính là đội ngũ các thầy cô ở trường. Tôi cũng phụ trách công tác Đảng Uỷ, công tác Cựu chiến binh và Ban Khuyến học tại trường. Năm 2024 vừa qua, Ban Khuyến học Trường Đại học Thăng Long đã vinh dự được TW Hội Khuyến học Việt Nam tặng cờ thi đua dành cho đơn vị xuất sắc.
Ảnh: Thầy Nguyễn Minh Xuân cùng bức ảnh chụp thầy trước Hội đồng trường vào ngày đầu tiên thầy về Trường Đại học Thăng Long đảm nhiệm vị trí.

Được biết Thầy là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Thăng Long, thầy hãy cho biết các thầy cô đồng thời là những cựu chiến binh trong Hội Cựu chiến binh của Trường đã có những đóng góp như thế nào cho Tổ quốc?
Tôi đã đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Thăng Long từ cách đây khoảng 3 năm. Hội Cựu chiến binh trường mình có những người thầy cô đã từng trực tiếp tham gia chiến đấu cũng như phục vụ công tác ở chiến trường.
Đơn cử có Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn đã trực tiếp chiến đấu ở vùng Quảng Trị, sau đó vào chiến trường miền Nam B3 ở Đồng bằng sông Cửu Long. Những ngày này, thầy Toàn đang đi cùng Hội Cựu chiến binh về Quảng Trị vào lễ giỗ chung để thăm các chiến sĩ đồng đội ngã xuống ở đó. Thầy Ngô Văn Trình thì đã tham gia chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên 1979, cùng đồng đội bảo vệ cao điểm trên ấy. Mỗi năm vào ngày giỗ chung, thầy cũng đều về thăm các chiến sĩ. Và còn rất nhiều thầy cô giáo khác cũng đã từng phục vụ chiến đấu ở chiến trường.
Vào những dịp kỷ niệm tự hào của Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh Nhà trường có những hoạt đồng nào đặc biệt? Thầy nhận thấy sự tham gia của các bạn sinh viên Thăng Long với các hoạt động đó như thế nào?
Mỗi năm vào dịp 30/4 hay 2/9, Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Thăng Long có những chuyến về nguồn dành cho các cán bộ giảng viên và cả sinh viên trong trường như một hoạt động giáo dục chính trị và lòng yêu nước cho thanh niên, sinh viên. Theo kế hoạch cuối năm nay sẽ có chuyến đi Tây Nguyên, năm ngoái thì có đi Điện Biên vào dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên.
Hội Cựu chiến binh cũng kết hợp với Nhà trường và Đội Sinh viên tình nguyện để đi thăm và tặng quà cho các gia đình thương binh liệt sĩ tại các địa phương vào dịp 27.07 hàng năm. Các bạn sinh viên tình nguyện Trường Đại học Thăng Long trong chuyến đi ấy rất có ý thức với cộng đồng, lại rất linh hoạt, năng động trong công việc, giúp xã giải quyết được nhiều công việc. Nhất là khi đi cùng các thầy cựu chiến binh, các chú bộ đội, các bạn thích lắm vì trong chuyến đi sẽ có thời gian gần gũi nhau hơn, được nghe kể những câu chuyện về quá khứ chiến đấu ngày xưa. Các bạn rất hào hứng với các kỷ niệm của các thầy cựu chiến binh trong trường.
Ảnh: Thầy Nguyễn Minh Xuân cùng các bạn sinh viên tình nguyện Trường Đại học Thăng Long trong các chuyến đi về nguồn. (Nguồn: Đội Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Thăng Long)

Tuổi trẻ của những người ở thế hệ của Thầy là tuổi trẻ kháng chiến, gánh vác trách nhiệm bảo vệ nền độc lập dân tộc. Tuổi trẻ của những thế hệ sinh viên Thăng Long, những người trẻ hiện nay là tuổi trẻ học tập, phát triển sự nghiệp với trách nhiệm kiến thiết đất nước giàu đẹp. Theo Thầy, điều gì là động lực bất biến khiến người trẻ dù ở thế hệ nào cũng mong muốn cống hiến cho đất nước? Là người từ thế hệ đi trước, thầy mong mỏi và đặt niềm tin ở các bạn sinh viên hiện nay như thế nào?
Sự dẫn dắt chung nhất luôn là “vận nước”. Vận mệnh đất nước là thứ khi nó đến sẽ kéo theo tất cả mọi người cùng tiến về một hướng. Ở thời của tôi, vận nước đến là phải cứu nước, không thì mất nước. Bây giờ cũng vậy, vận nước đến và ta cần phải vươn mình, ta sẽ có nhiều cách để tham gia vào cuộc vươn mình ấy. Khi vận nước đến, mọi người sẽ cùng nhìn về một hướng, ngày trước hay bây giờ cũng vậy - đó chính là tiền đề của lòng yêu nước.
Thời đại nào cũng sẽ có những thuận lợi, thách thức trên chặng đường cống hiến cho đất nước. Về thuận lợi, ta đang bước vào thời kỳ 4.0 nên công cụ, phương tiện có sẵn chỉ cần có ý tưởng là sẽ thực hiện được. Tri thức cũng có thể học rất nhanh, nhanh hơn các thời kỳ trước, các bạn có thể học hỏi nhanh để làm được công việc nào đó. Về thách thức, hiện tại công cuộc cải tổ đang diễn ra rất nhanh, rất sớm và quyết liệt, có thể sẽ có những người trẻ không biết mình sẽ đứng đâu trong công cuộc thay đổi của dân tộc. Thách thức về sự chuyển biến trong kỷ nguyên vươn mình rất nhiều và đa dạng, nên sẽ có thách thức liệu người trẻ có theo kịp nhu cầu của xã hội hay không.
Tôi mong mỏi các thế hệ các em sẽ chắt lọc được những bài học thành công, hay thất bại để tìm cho mình vị trí trong dòng thác vươn mình này. Tôi nghĩ các bạn sẽ nhanh chóng ổn định tâm thế, tìm được một vị trí trước mắt có lợi cho bản thân trước mắt, sau đó dần dần sẽ có đóng góp cho xã hội. Đặt vấn đề ngày xưa phải cứu nước trước tiên, nhưng giờ đầu tiên là phải có ăn học, rèn luyện cho bản thân mình, thành người thì mới có thể cống hiến cho xã hội. Chắc chắn rằng thế hệ trẻ này sẽ đóng góp vào sự nghiệp vươn mình của cả dân tộc.
Ảnh: Đại diện Đội Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Thăng Long tặng hoa cho Thầy Nguyễn Minh Xuân. (Nguồn: Đội Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Thăng Long)

Một bài học Thầy luôn tâm đắc trên hành trình công tác của Thầy ở Đảng uỷ, trong sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu.
Bài học trước tiên là “Phải tự hoàn thiện mình” - hoàn thiện bằng đạo đức, kiến thức, bằng ý chí, bản lĩnh, thậm chí là cả về mặt tình cảm.
Cả quá trình phấn đấu của tôi là quá trình tự hoàn thiện mình. Đến bây giờ, tôi vẫn có nhu cầu tự hoàn thiện mình. Trường Đại học Thăng Long liên tục phát triển, liên tục có nhiều cái mới nên với từng người cũng phát phát triển. Nếu tôi không phát triển thì làm sao Nhà trường có thể sử dụng tôi tiếp được.
Chúc cho thế hệ các bạn trẻ sẽ tự hoàn thiện mình và sẽ có thành công từ sự hoàn thiện đó!
Ảnh: Thầy Nguyễn Minh Xuân được các bạn sinh viên tình nguyện Trường Đại học Thăng Long tiếp đón thân tình tại sự kiện. (Nguồn: Đội Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Thăng Long)
-----
Cùng điểm qua những danh hiệu, thành tích chiến đấu và khen thưởng của Đại tá, PGS.TS Nhà giáo ưu tú Thầy Nguyễn Minh Xuân:
🌟 Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thăng Long
🌟 Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Thăng Long
🌟 Trưởng tiểu ban thư ký Ban Khuyến học Trường Đại học Thăng Long
🌟 Nguyên Trưởng Bộ môn Máy bay Động cơ, Học viện Phòng không – quân, Bộ Quốc phòng
🌟 Huân chương Chiến công Hạng nhất (2004)
🌟 Huy chương Quân kỳ Quyết thắng (2003)
🌟 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba (Các năm 1980 - 2010)
🌟 Huy chương vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ (2004)
🌟 Nhà giáo ưu tú (2014)
🌟 Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng (2020)
🌟 Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Giáo dục (2002)
🌟 Bằng khen Bộ Quốc phòng về KHCN (2012)
🌟 Kỷ niệm chương Vì Sự nghiệp Khuyến học VN (2022)
🌟 Kỷ niệm chương Cựu Chiến binh Việt Nam (2021)
🌟 Bằng khen Hội Cựu chiến binh Thành phố Hà Nội (2024)
🌟 Kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ (2015)
🌟 Kỷ niệm chương Không quân Nhân dân Việt Nam (2015)
🌟 Nhiều Bằng khen, Giấy khen, Danh hiệu chiến sĩ thi đua, Giảng viên Dạy giỏi cấp Nhà trường, Học viện, HKH VN, CCB HN và CCB VN (1980 - 2024)
—
Thang Long Portrait là chuỗi bài viết khắc hoạ chân dung những con người Thăng Long - những sinh viên, cựu sinh viên, giảng viên và “zoom cận cảnh” vào hành trình của họ cùng với trường Đại học Thăng Long.
Đề cử nhân vật, câu chuyện cho Thang Long Portrait tại 👉 https://tlu.to/ThangLongPortrait
#ThangLongUniversity #ThangLongPortrait #YourDreamOurDream #YourStoriesInFocus #HallofFrame