Nhảy đến nội dung

Thang Long Portrait #4: TS. Nguyễn Huyền Châu: “Giữ lửa đam mê với Công nghệ thông tin từ “những điều lấp lánh”

18.10.2024

Trong không khí chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, hãy cùng Thang Long Portrait gặp gỡ nữ trưởng khoa đầy tâm huyết và dành niềm yêu thương, gắn bó với Khoa Công nghệ thông tin - TS. Nguyễn Thị Huyền Châu.

Qua góc nhìn của cô Châu, Công nghệ thông tin không hề khô khan, quy tắc như nhiều người thường nghĩ, mà cô đã tìm thấy trong đó “những điều lấp lánh” khiến cô dành trọn đam mê với ngành tới tận bây giờ.

Động lực và cơ duyên nào đã khiến cô lựa chọn và gắn bó với ngành Công nghệ thông tin (CNTT)?

“Khi 10 tuổi, tôi muốn trở thành một nhà hải dương học, nghiên cứu về các sinh vật biển, đi từ vùng biển nọ đến vùng biển kia. Mơ ước là vậy, nhưng về sau tôi thích môn Toán, có thành tích Toán và khi vào cấp 3 thì thi chuyên Toán của Đại học Khoa học Tự nhiên. Nhưng bố tôi bảo con gái học Toán khổ, nên mới chuyển con sang chuyên Tin. Khi ấy cảm giác của tôi là hơi hẫng hụt, hơi giống như vươn tay chạm đích rồi đích bỗng biến mất.

Bởi thế nên giai đoạn đầu tôi học chuyên Tin mà không thực có tâm trạng lắm, gần giống như “học vì bố mẹ" vậy. Thế rồi  đến một hôm, tôi được giao một bài tập Tin học, rất dễ thôi, đó là tính tổng một dãy số cách đều. Với tư duy Toán, sẽ có một công thức để làm việc đấy; nhưng với Tin, cách làm đúng nghe lại đơn giản đến gần như hiển nhiên, đó là tổng một dãy thì nghĩa là … cộng dần từng số trong dãy ấy, và rồi chúng ta sẽ sai máy tính làm liên tiếp các phép cộng này Nếu trong Toán học, đây sẽ là một cách làm dở và bất khả thi, vì chẳng ai có thể ngồi cộng 1000 số, nhưng trong Tin học, không những đây là một cách làm đúng, mà còn là cách làm tốt hơn, vì nó sẽ dễ mở rộng sang nhiều loại dãy số khác sau này. Khi thầy chữa bài, tôi cảm thấy rất thú vị vì tôi thấy trong cách làm chân phương đó một góc nhìn mới mẻ : “À, hóa ra Tin học là như thế, Tin học là học cách sai bảo, chỉ bảo cho máy tính làm điều mình muốn, thay vì tự mình làm nó”.

Đột nhiên, tôi nhận ra Tin học có “những điều lấp lánh” của riêng nó. Tin học không khó hơn hay dễ hơn Toán học, chỉ là nó cần một kiểu nhạy cảm khác. Từ thời điểm đó, tôi nhận ra những điều từng khiến mình yêu thích Toán học thì ở Tin học cũng có, và khi ấy, tôi bắt đầu yêu thích học Tin.

Từ bé, tôi có thiên hướng thích sự sáng tạo cùng với tìm ra những quy luật. Lớn lên, tôi còn muốn nhìn thấy hiệu ứng của quy luật đó với cuộc sống. Ngành CNTT có một cái rất hay, là các em làm mọi thứ trên máy tính và rồi có thể gần như thấy luôn kết quả hiển hiện ra. Tôi không biết mô tả thế nào, nhưng tôi nghĩ nhiều bạn sinh viên CNTT cũng có cảm giác giống tôi: đó là cảm giác ngồi làm và chạy chương trình trên máy tính, thấy những hiệu ứng hiện ra và cảm thấy thực sự phấn khích.” 

Trong suốt nhiều năm giảng dạy, điều gì khiến cô cảm thấy gắn bó sâu sắc với Thăng Long?

“Thực ra nếu được để tự nhiên như tôi muốn thì tôi sẽ rất ít giao tiếp, từ bé đã là vậy. Thế nhưng, tôi lại cảm thấy rằng tôi có thể kết nối được dễ dàng với các sinh viên. Sự gắn bó của tôi với nhiều thứ, không phải chỉ riêng chuyện giảng dạy, đều bắt đầu từ sự gắn bó với con người; và điều khiến tôi gắn bó với Thăng Long là sinh viên Thăng Long.

Tôi nhớ khi tôi dạy những lớp Trí tuệ nhân tạo đầu tiên khi về Thăng Long, tôi có ra một bài tập là cài đặt chiến lược chơi cờ caro - một bài toán kinh điển. Các bạn sẽ được đánh giá thực tế dựa vào kết quả, cụ thể là vào ngày thi, các bạn sẽ chia vòng, chia bảng để thi đấu với nhau, và chương trình cài đặt của bạn nào chiến thắng ở chung kết sẽ đạt điểm tối đa. Tôi nghĩ rằng sinh viên sẽ sử dụng chiến thuật tìm kiếm đụng độ đã được dạy trong môn đó đã đạt kỳ vọng rồi.

Nhưng rồi, có một bạn nữ đã đưa một cách làm khác hẳn với những bạn khác, trong đó tích hợp một thuật toán Học máy. Bạn xây dựng chiến lược bằng cách để máy tính tự đánh với nó và đánh với người; học dần dần chiến thuật qua các lần chơi để tạo ra được chiến thuật mà bạn ấy mang đi thi.

Và thời điểm đó, bài giảng trên lớp mới chỉ dạy về AI cổ điển, trong khi học máy là trung tâm của AI hiện đại, tuy nhiên cô bé sinh viên ấy đã tự đi tìm hiểu thông tin, tự học, tự cài đặt được để bổ sung cho những gì học ở trên lớp. Chương trình của bạn ấy không vào đến vòng chung kết, song tôi đã cho bạn điểm tối đa bởi sự tìm tòi sáng tạo ấy. 

Câu chuyện đó khiến tôi bất ngờ. Nó là hạt mầm đầu tiên để tôi bắt đầu chú ý quan sát và nhận ra ở sinh viên trường mình có một điều: các bạn vào đây không phải vì bố mẹ muốn các bạn vào đây, mà vì các bạn thực sự yêu thích. Riêng về ngành CNTT, có thể các bạn không vào được những trường top, nhưng một khi đã chọn học gì thì các bạn ấy sẽ học vì có sự đam mê trong đó. Các bạn ấy thích, nên tự đi tìm tòi rất nhiều thứ - đây là điểm rất quan trọng vì ngành này đòi hỏi sự tự học rất nhiều. Tôi nhận ra đây là điều đặc trưng của Thăng Long. Sinh viên Thăng Long khi bước vào đây - bước vào một môi trường phóng khoáng, cởi mở, các em làm vì các em thích, các em thích thì các em mới làm; nên những kết quả các bạn làm ra luôn khiến tôi rất bất ngờ.”

Môi trường tại Thăng Long đối với cô là môi trường như thế nào?

Môi trường Thăng Long là môi trường năng động, hiện đại và tự chủ. Sinh viên Thăng Long toát ra một vẻ rất khác, các bạn được làm những thứ các bạn thích. Môi trường, giáo viên và tinh thần chung của Thăng Long cho các bạn tự do sáng tạo, làm rất nhiều thứ mà những trường khác không làm.

Người ta thường nói khi giao đề bài với rất nhiều yêu cầu thì thực ra là đang giúp, đang chỉ dạy cho các bạn đó. Còn khi ra một đề bài chung chung, để các bạn tự do làm hóa ra là khó hơn vì bạn sẽ phải lên kế hoạch rất nhiều thứ.

Trong ngành CNTT có một quy tắc là, để áp dụng được mô hình quản lý theo cách linh hoạt, đòi hỏi phải có những lập trình viên có trình độ cao và có khả năng tự chủ rất tốt. Thăng Long cho các bạn nhiều sự tự do hơn như vậy, cũng đồng nghĩa đòi hỏi các bạn phải tự chủ nhiều hơn, trưởng thành hơn.

Là một giảng viên đã có kinh nghiệm học tập và nghiên cứu ở Pháp, cô nghĩ rằng Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Thăng Long đã, đang và có thể làm gì để nâng cao chất lượng đào tạo tiệm cận với quốc tế?

Một đặc điểm của giáo dục đại học đó là không chỉ là tự học với sinh viên, mà giảng viên cũng phải học. Đối với một khoa muốn nâng cao chất lượng đào tạo, tôi nghĩ rằng có thể quy về 03 thứ: thứ nhất là về con người, thứ hai là về quy trình, thứ ba là về chương trình.

▪️ Về con người, hiện tại ở Khoa CNTT đang có 05 giảng viên (hơn 25% giảng viên) đã từng học tập, nghiên cứu ở các trường đại học có tiếng ở nước ngoài - ở Pháp, Mỹ, và sắp tới sẽ đón một tiến sĩ trẻ từ Hàn Quốc, và một giảng viên từ Nga nữa. Những người đã học tập, nghiên cứu từ nước ngoài sẽ có thể cung cấp những “insight” mới về chương trình đào tạo, quy cách tổ chức ở nước ngoài để tư vấn cho Khoa cải tiến toàn bộ quá trình đào tạo. Ngoài ra, Khoa cũng giữ mối quan hệ với những thầy giáo, nhà nghiên cứu đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài để thông qua họ có thể tham khảo các mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới.

▪️ Về quy trình, Khoa tích cực tham gia vào các chương trình hỗ trợ việc kết nối với các cơ sở đào tạo nước ngoài. Mới đây, trường mình có chương trình Sunny Coil cho phép chúng ta trao đổi khoá học, những buổi tọa đàm, hội thảo chuyên đề với các trường đại học ở nước ngoài. Đây là cơ hội để sinh viên tiếp xúc với giáo dục quốc tế, đồng thời để giảng viên và người quản lý Khoa tham khảo, học hỏi các trường uy tín trên thế giới.

▪️ Về chương trình, sự ra đời của ngành Trí tuệ nhân tạo của Khoa vốn đã được tham chiếu từ chương trình TTNT từ 02 trường là Carnegie Mellon University và National University of Singapore, nhằm hướng đến tiêu chuẩn quốc tế. Theo xu hướng đó, năm 2024-2025 này, Khoa đã đang tiến hành rà soát toàn diện chương trình đào tạo của các năm trước, trong đó có đối sánh với chương trình đào tạo cùng ngành, cùng trình độ của các trường đại học ở nước ngoài để đảm bảo chúng ta  không chỉ đáp ứng các chuẩn của VN mà còn cố gắng dần dần tiến đến chuẩn của thế giới.

Cuối cùng, gần đây Khoa cũng đại diện trường tham gia hợp tác với công ty Amazon trong chương trình AWS Academy về đào tạo các kỹ năng Điện toán đám mây. Trong năm tới, theo xu thế các ngành nghề trên thị trường có nhu cầu cao, Khoa sẽ đưa Điện toán đám mây cùng Trí tuệ nhân tạo tạo sinh vào học phần tự chọn của tất cả các ngành của khoa CNTT.

Với CNTT nói chung, để tiếp nhận được những kiến thức từ chương trình quốc tế, vấn đề lớn nhất là chúng ta có môi trường thực hành không, và sinh viên có thành thạo tiếng Anh không. Về năng lực tiếp nhận, các bạn sinh viên Việt Nam có thể tự tin là hoàn toàn có khả năng ngang tầm  sinh viên quốc tế, đặc biệt trong các ngành kỹ thuật. Công nghệ thông tin là ngành cho phép làm việc online, do không tồn tại rào cản về địa lý. Thực tế nhiều lập trình viên Việt Nam đang trở thành các freelancer theo cách như vậy, sống ở Việt nam nhưng làm việc và nhận lương của công ty nước ngoài. Một ví dụ là một thầy giáo thỉnh giảng của khoa Công nghệ thông tin đang là chuyên viên khoa học dữ liệu cho một công ty startup ở Mỹ. Như vậy là không tồn tại giới hạn địa lý, giới hạn duy nhất chỉ là tiếng Anh, các em cần đầu tư xứng đáng cho tiếng Anh.

Được biết cô đóng góp cho việc xây dựng Phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo (TTNT) tại trường, cô nghĩ rằng việc thành lập phòng thí nghiệm có vai trò gì trong việc hỗ trợ các bạn sinh viên và đội ngũ giảng viên nghiên cứu khoa học?

Với CNTT và đặc biệt là TTNT, thực hành là rất quan trọng. Trong ngành này, chúng tôi vẫn nói, không thể chỉ dạy “know what", mà còn cần dạy cả know how. Rất nhiều thứ không thể học qua sách vở, mà chỉ có thể học qua trải nghiệm trực tiếp với bài toán thực, với dữ liệu thực. Sự ra đời của phòng TTNT thể hiện sự đầu tư của nhà trường, là minh chứng rõ ràng nhất với cam kết của nhà trường trong việc đào tạo các ngành công nghệ cao nói chung và TTNT nói riêng.

Lợi ích của phòng TTNT đối với việc đào tạo TTNT nằm ở 03 điểm sau:

▪️ Về thiết bị, phòng TTNT có các máy tính cấu hình cao, có khả năng tính toán và xử lý dữ liệu lớn; cho sinh viên đến và thực tập, làm các bài toán lớn mà trên máy tính cá nhân các bạn không làm được.

▪️ Về con người, Đội ngũ giảng viên ngành AI cũng là những chuyên gia đã đang tham gia vào các dự án của phòng Thí nghiệm. Khi giảng viên bám sát thực tiễn công nghiệp như vậy, thì họ sẽ có thể đề xuất cải tiến chương trình đào tạo đảm bảo tính ứng dụng và nắm bắt được xu thế phát triển của ngành.

▪️ Về bài toán, dự án thực tế, Phòng TTNT có dự án ứng dụng AI trong giảng dạy âm nhạc hợp tác với Khoa Âm nhạc ứng dụng, dự án với các doanh nghiệp như với Công ty Dược CPC Hà Nội 1 trực thuộc công ty Dược Trung Ương, và gần đây có dự án ứng dụng AI xây dựng hệ thống phát hiện, sàng lọc bệnh trầm cảm, đề tài cấp Nhà nước đầu tiên trong khối các trường đại học tư thục. Đây là cơ hội không dễ kiếm, khi sinh viên còn đang đi học có cơ hội được học hỏi và tiếp xúc với các chuyên gia. Lợi ích từ đây do đó là không đong đếm được: cho phép các bạn sinh viên được tuyển chọn được tham gia dự án thực tế; tiếp xúc với các chuyên gia và xây dựng mạng lưới; nâng cao trình độ, chứng minh được năng lực để mở ra các cơ hội về sau. Các bạn có thể cho những trải nghiệm này vào vào CV. Thực tế thị trường việc làm thời gian gần đây chúng ta cũng nắm rõ, nếu trong CV chỉ có điểm thôi thì không có nhiều giá trị với nhà tuyển dụng, nhưng nếu có thêm kinh nghiệm trong các dự án thực tế thì sẽ là một điểm thu hút. Việc tham gia vào các dự án của phòng thí nghiệm sẽ có thể là bệ đỡ vững chắc để các bạn phát triển về sau.

Là nữ giảng viên đã đạt được nhiều thành tựu trong giảng dạy và nghiên cứu, cô muốn gửi gắm lời nhắn nhủ gì tới các bạn sinh viên nữ đang theo đuổi ngành CNTT?

“Mình không ngại điều này vì mình là nữ. Thực tế mà nói, ở khoa CNTT, một số bạn nữ đang nằm trong số những bạn dẫn đầu khoa. Có chăng chỉ là ngành này hay phải thức khuya, có nhiều khó khăn trong khi các bạn nữ lại có rất nhiều lựa chọn khác nhẹ nhàng  hơn. Nhưng một khi đã thích rồi thì cô nghĩ là không có giới hạn nào cho các bạn hết.

Tôi nghĩ rằng nếu bạn chọn nghề này, thực sự bạn phải có đam mê và bạn phải giữ lửa với điều ấy. Nhiều người dễ bị nhầm “yêu thích” với “đam mê”. Khi mình “yêu thích” gì đó, nhiều khi mình chỉ thích hào quang của việc đó thôi. Còn từ “đam mê”, xuất phát từ gốc Latin là chữ  “passio” - sự chịu đựng, do đó để “đam mê” là phải dám chịu đựng, “đam mê” là một khái niệm mang sức nặng mà mình phải chấp nhận và vượt qua nhiều thứ cùng với nó.

Để giữ lửa được đam mê, tôi thường có một lời khuyên nhỏ như thế này. Trong ngành CNTT có một kĩ thuật rất hay gọi là “Rubber Duck Method” - tức là khi ta dạy cho người khác thì ta sẽ hiểu vấn đề hơn. Khi dạy cho người khác, mình sẽ có một cảm giác rõ ràng hơn về đóng góp của mình và cho mình niềm vui. Để theo ngành này, bạn hãy tham dự nhiều hơn vào các hoạt động, viết lách, chia sẻ, để dần dần mình tìm thấy đam mê khi chia sẻ với người khác, thấy những điều mình làm có giá trị hơn để nuôi dưỡng tình yêu với điều đó.”

Một bài học mà cô luôn tâm đắc trên hành trình giảng dạy và nghiên cứu của mình.

“Có đích thì sẽ có đường”. Nhìn từ xuất phát điểm của tôi là thích Hải dương học, thích Toán, rồi thích Tin, trong Tin thì lúc đầu vào Đại học học một ngành nhưng khóa luận tốt nghiệp lại do một thầy ngành khác hướng dẫn, khi sang Pháp học lại chuyên về một ngành khác nữa, sau khi về Việt Nam lại tiếp tục vào ngành Trí tuệ nhân tạo cũng chưa từng là chuyên môn trước đó.

Nói chung con đường chuyên môn của người làm nghề công nghệ thông tin có thể bắt đầu từ một điểm, nhưng rồi từ đó lại đi zigzag, zigzag, gần như sẽ không hoàn toàn nhìn thấy đích đến chắc chắn của mình là gì. Công nghệ thì luôn thay đổi, rất thường xuyên ta đang học cái này, công nghệ mới khác đi khiến ta phải chuyển sang học cái khác, và mỗi chúng ta  luôn xác định là mình có thể sẽ chuyển sang một chuyên ngành mới của công nghệ thông tin trong tương lai, tôi tin đây cũng sẽ là câu chuyện chung của nhiều sinh viên Công nghệ thông tin sau này. Và điều đó nghĩa là chúng ta sẽ luôn phải chuẩn bị tâm thế cho sự thay đổi ở thì tương lai ấy.

Có đích thì sẽ có đường, nhưng để con đường đó hiển lộ, chúng ta phải học cách chuẩn bị. Ta cần nhìn ra quy luật của sự học, không phải học cái gì cụ thể mà cần học cách tự học. Để chào đón điều chưa đến thì chỉ có kỹ năng tự học là sự chuẩn bị bền vững, nhờ đó các em sẽ có thể thể thích ứng với nhiều thay đổi trong tương lai của công nghệ. Be prepared, be adaptive.”

--

Xin chân thành cảm ơn cô Châu vì những chia sẻ vừa rồi! Hy vọng những chia sẻ truyền cảm hứng, gần gũi và có phần lãng mạn của cô Châu sẽ truyền cảm hứng tới nhiều sinh viên Thăng Long, đặc biệt là các sinh viên Khoa Công nghệ thông tin. Đồng thời, mong rằng với tầm nhìn và những nỗ lực nhiệt thành của cô Châu cùng đội ngũ giảng viên, Khoa Công nghệ thông tin - Trường Đại học Thăng Long sẽ vững bước tiến xa hơn nữa, đạt tới nhiều thành tựu như các thầy cô hằng mong muốn.

 

 

Một số thông tin về TS. Nguyễn Thị Huyền Châu:

  • Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trưởng Phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo của Trường Đại học Thăng Long, với 20 năm kinh nghiệm trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển ứng dụng.
  • Hướng nghiên cứu chính: thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, kiểm định khả năng lập lịch. Hiện quan tâm chủ đề phát triển các phần mềm trí tuệ nhân tạo hỗ trợ ra quyết định trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, quản lý.
  • Chủ nhiệm các dự án dùng AI tầm soát bệnh trầm cảm, kết hợp AI trong giảng dạy âm nhạc, phát triển trợ lý ảo cho thiết bị ATM và CRM, ứng dụng AI trong chẩn đoán biểu hiện bệnh lâm sàng, phát triển các công cụ đánh giá kết quả học tập và cá nhân hoá lộ trình học tập, triển khai các hệ thống hỗ trợ đào tạo ở đại học và quản lý nhân viên tại doanh nghiệp.
  • Tốt nghiệp Thạc sĩ, Tiến sĩ Khoa học máy tính năm 2007 và 2010 tại Trường Kỹ nghệ Hàng không Quốc gia Pháp (ENSMA).
  • Tốt nghiệp Cử nhân Công nghệ thông tin năm 2005 tại Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội.

 

Thang Long Portrait là chuỗi bài viết khắc hoạ chân dung những con người Thăng Long - những sinh viên, cựu sinh viên, giảng viên và “zoom cận cảnh” vào hành trình của họ cùng với trường Đại học Thăng Long.

Đề cử nhân vật, câu chuyện cho Thang Long Portrait tại 👉 https://tlu.to/ThangLongPortrait

#ThangLongUniversity #ThangLongPortrait #YourDreamOurDream #YourStoriesInFocus #HallofFrame