Nhảy đến nội dung

Thang Long Portrait #1: Vượt lười, vượt áp lực, tự tin chinh phục Học bổng chính phủ Hàn Quốc

22.08.2024

Cùng gặp gỡ Cô Nguyễn Thị Huyền, Cựu sinh viên Khóa 30, Giảng viên Bộ môn Ngôn ngữ Hàn Quốc và bạn Bùi Thị Việt Chinh, Cựu sinh viên Khóa 32 Ngôn ngữ Hàn Quốc - hai đại diện đến từ Trường Đại học Thăng Long vinh dự giành 2 trong số 50 suất Học bổng chính phủ Hàn Quốc GKS danh giá để học hỏi kinh nghiệm tìm kiếm “cơ hội du học 0 đồng” nhé!

Bạn đã biết tới và quyết định chinh phục Học bổng chính phủ (HBCP) Hàn Quốc GKS như thế nào?

Nguyễn Thị Huyền: “HBCP là học bổng mà chưa bao giờ mình nghĩ mình sẽ apply. Trong suy nghĩ của mình, HBCP là dành cho những ai profile (hồ sơ) cực kỳ đỉnh. Khi tìm hiểu về HBCP trong các nhóm săn học bổng, mình thực sự cảm thấy bị ngợp vì mọi người quá là giỏi, tham gia nhiều hoạt động, được nhiều giải thưởng. Nhưng khi được một người chị động viên apply, mình đã thử và đến lần thứ hai thì đã thành công”.

Bùi Thị Việt Chinh: “Mình tự nhận thấy mình là 1 sinh viên rất bình thường, không có gì nổi bật trong lớp, trong khi các bạn xung quanh rất là giỏi và sôi nổi. Khi biết các bạn muốn sau này sẽ học thạc sĩ, rồi sẽ apply học bổng, mình cũng muốn được như các bạn. Đến năm nay, khi biết chị Huyền apply thì mình mới nghiêm túc tìm hiểu, và cùng thử theo chị Huyền. Mình nghĩ là mình chỉ thử để lấy kinh nghiệm thôi nhưng cuối cùng rất vô tình mình lại đỗ”.

Theo bạn, 3 yếu tố quan trọng nhất để giành học bổng là gì?

Nguyễn Thị Huyền & Bùi Thị Việt Chinh:

“Để giành học bổng thì bước đầu tiên mình phải có profile đẹp. Vì profile phải đẹp thì mới qua được vòng hồ sơ để bước vào vòng phỏng vấn.

Tiếp đó là hai bài luận - bài luận cá nhân và kế hoạch học tập. Qua bài luận cá nhân, mình cần thể hiện mình là ai, màu sắc cá nhân của mình như thế nào, tại sao mình phù hợp và đủ tư cách để nhận học bổng này. Với kế hoạch học tập, mình cần vạch ra cụ thể và chi tiết trong 2 năm mình sẽ học gì, làm gì, tham gia các hoạt động gì, trau dồi tiếng Hàn như thế nào.

Thư giới thiệu cũng rất quan trọng, người mình cần xin thư giới thiệu cần có chức vụ, uy tín; đồng thời gắn bó, theo dõi mình để thư giới thiệu thật thuyết phục.

Ngoài ra một số yếu tố khác là bảng điểm, mức điểm GPA tối thiểu, bằng đại học, chứng chỉ tiếng Hàn/tiếng Anh và các giấy tờ liên quan”.

Để làm đẹp profile bằng các hoạt động, các bạn sinh viên cần chú ý điều gì?

Nguyễn Thị Huyền: “Một điều mình luôn được các cô bộ môn Ngôn ngữ Hàn Quốc khuyến khích, và chính mình bây giờ làm giảng viên cũng dặn lại với sinh viên của mình: Mình chỉ có 4 năm đại học thôi, hãy tận dụng hết những đặc quyền mà mình nhận được trong 4 năm đó.

Trong 4 năm đại học, mình tận dụng các cơ hội rất nhiều, tham gia nhiều hoạt động, cuộc thi và may mắn được giải và chứng chỉ nhờ những điều đó mà hồ sơ của mình đẹp hơn. Vậy nên sau này nếu ai có định hướng đi du học thì việc tham gia hoạt động ngoại khóa sẽ rất lợi thế”.

Bùi Thị Việt Chinh: “Không những cần có thành tích về tiếng Hàn/tiếng Anh, mà đặc biệt nếu apply trái ngành như mình thì sẽ cần có kinh nghiệm liên quan đến ngành đấy. Để làm đẹp hồ sơ thì cách tốt nhất là tham gia nhiều hoạt động liên quan đến ngành mình định apply hoặc đến ngành học tại đại học.

Thực ra, ban đầu không phải vì mình muốn apply học bổng nên mới tham gia hoạt động ngoại khoá, mà là khi tham gia một, hai hoạt động thì mình thấy thích quá. Mình thấy được giao lưu và sử dụng tiếng Hàn rất nhiều, nên có hoạt động nào là mình cũng tham gia”.

Việc chọn trường, chọn ngành cũng là việc cần tìm hiểu, cân nhắc kỹ lưỡng. Bạn đã tìm hiểu và chọn trường như thế nào?

Nguyễn Thị Huyền: “Các cô ở Bộ môn cũng đã từng đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở bên Hàn nên các cô cho mình nhiều lời khuyên về thế mạnh của các trường, học ngành nào ở trường nào thì tốt. Nhờ các cô nên mình có định hướng cho bản thân.

Ngoài ra, muốn tìm hiểu về HBCP Hàn Quốc thì có thể đọc kỹ hướng dẫn do Viện Giáo dục Quốc tế Quốc gia (NIIED) đăng tải, và tham gia vào các hội nhóm trên facebook như "KGSP Vietnam – Học bổng Chính phủ Hàn Quốc (GKS)."

Bùi Thị Việt Chinh: “Mình đã được học giáo trình từ trường Đại học Kyung Hee và may mắn được tiếp xúc với các giáo sư, tiến sĩ từ KyungHee ngay khi đi học nên mình rất ấn tượng với ngôi trường này. Một lý do khác là mình thấy trường KyungHee đẹp quá nên đã apply - cũng giống với lý do trước đây mình đã chọn Thăng Long”.

Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, Bộ môn Ngôn ngữ Hàn Quốc và trường Đại học Thăng Long đã hỗ trợ bạn như thế nào?

Nguyễn Thị Huyền: “Mình cảm thấy rất may mắn vì được là một phần của Bộ môn Hàn, được các cô hỗ trợ trong suốt 4 năm đi học. Đối với mình, Bộ môn giống như một gia đình.

Mình và Chinh đều xin thư giới thiệu của Cô Lee Kye Sun, Trưởng Bộ môn Ngôn ngữ Hàn Quốc. Thường thì thư giới thiệu sẽ là do sinh viên tự viết, rồi chỉ nhờ các thầy cô ký. Còn riêng cô Lee thì khi biết mình định apply học bổng, cô đã dành thời gian tự viết thư rất hết lòng, hết sức và có tâm. Cô đã theo dõi chúng mình từ năm nhất đến năm tư, cô biết rất rõ về hai đứa”.

Bùi Thị Việt Chinh: “Ngoài việc giảng dạy kiến thức, thì ở Bộ môn Ngôn ngữ Hàn Quốc, các cô rất quan tâm sinh viên, hỗ trợ sinh viên hết mức có thể. Có cơ hội việc làm các cô cũng giới thiệu cho sinh viên, không tiếc gì cả. Hồi học ở trường, mình được tiếp xúc nhiều với thầy cô giáo người Hàn, giúp tiếng Hàn của mình tốt lên rất nhiều.

Một điều mà mình nhớ nữa đó là trong lúc gấp rút hoàn thiện hồ sơ, mình cần đổi hệ điểm. Lúc đó, rất may là các thầy cô Phòng Đào tạo đã nhiệt tình hỗ trợ để mình kịp nộp hồ sơ đúng hạn”.

Một lời khuyên, một bài học mà bạn luôn tâm đắc trong quá trình chuẩn bị hồ sơ?

Nguyễn Thị Huyền: Kỳ tích là tên gọi khác của sự nỗ lực. Khi đã bị cuốn vào guồng quay của công việc, thời gian không còn dư dả, có lúc mình dễ lười và nản. Những lúc đó hãy cứ bắt tay vào làm, vì bắt đầu nghĩa là mình đã đi được nửa chặng đường rồi”.

Bùi Thị Việt Chinh: Cơ hội sẽ đến với những người có sự chuẩn bị. Khi mình đã chuẩn bị sẵn sàng rồi, khi cơ hội đến mình chỉ cần nắm bắt thôi. Khi mình đã chuẩn bị sẵn sàng, cơ hội đến mình chỉ cần nắm bắt thôi. Hãy có kế hoạch và chuẩn bị sớm, quản lý điểm GPA và tham gia nhiều hoạt động”.

Xin cảm ơn cô Nguyễn Thị Huyền và bạn Bùi Thị Việt Chinh vì những chia sẻ tâm đắc vừa rồi, và xin chúc cô và bạn một hành trình mới thật nhiều niềm vui tại đất nước Hàn Quốc!

 Cô Nguyễn Thị Huyền, Cựu sinh viên Khóa 30, Giảng viên Bộ môn Ngôn ngữ Hàn Quốc

- Tốt nghiệp Đại học bằng xuất sắc

- TOPIK 6

- Giải nhất cuộc thi nói tiếng Hàn trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa Việt – Hàn lần 3 năm 2019

- Đạt “Học bổng ngân hàng Nonghyup” năm 2020

- Đạt Học bổng thành tích trường Đại học Thăng Long 3 năm liên tiếp

- Giải nhì cuộc thi nói tiếng Hàn Sejong khu vực miền Bắc 2020

- Giải nhì cuộc thi Quiz On Korea dành cho sinh viên Việt Nam 2020

Giải nhất cuộc thi Sáng tạo video trong cuộc thi THINK KOREA năm 2021

- Giải nhì cuộc thi làm video với chủ đề ‘나만의 행복 쌈 스토리 – Câu chuyện về Ssam’ do thành phố GwangJu tổ chức năm 2021

- Giải nhì cuộc thi “Mekong-ROK Video Contest” do Bộ Ngoại Giao Hàn Quốc tổ chức năm 2023

- Tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, các hoạt động tình nguyện liên quan đến tiếng Hàn trong và ngoài trường. 

 Bạn Bùi Thị Việt Chinh, Cựu sinh viên Khóa 32 Ngôn ngữ Hàn Quốc

- Tốt nghiệp Đại học bằng xuất sắc

- TOPIK 6

- Đạt Học bổng thành tích trường Đại học Thăng Long 3 năm liên tiếp

- Giải Nhì cuộc thi nói tiếng Hàn toàn quốc Cúp Đại sứ (2023) 

- Giải Nhì cuộc thi nói tiếng Hàn tỉnh Vĩnh Phúc (2023) 

- Giải Ba cuộc thi nói tiếng Hàn tỉnh Phú Thọ (2022) 

- Tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa liên quan đến tiếng Hàn trong và ngoài trường. 

Thang Long Portrait là chuỗi bài viết khắc hoạ chân dung những con người Thăng Long - những sinh viên, cựu sinh viên, giảng viên và “zoom cận cảnh” vào hành trình của họ cùng với trường Đại học Thăng Long.

Đề cử nhân vật, câu chuyện cho Thang Long Portrait tại 👉 https://tlu.to/ThangLongPortrait

#ThangLongUniversity #ThangLongPortrait #YourDreamOurDream #YourStoriesInFocus